Người tiêu dùng ngày càng chuộng mua hàng theo xu hướng đa kênh

23 Tháng 3, 2025

Người tiêu dùng ngày càng chuộng mua hàng theo xu hướng đa kênh

Ông Nguyễn Văn Phượng – người phụ trách khảo sát HVNCLC do Người tiêu dùng bình chọn năm 2025, chia sẻ đánh giá xu hướng và hành vi người tiêu dùng tại buổi họp báo Lễ công bố HVNCLC 2025

Theo kết quả Cuộc khảo sát HVNCLC năm 2025, người tiêu dùng đang ngày càng ưa chuộng mua hàng theo xu hướng đa kênh. Nhiều nhà bán lẻ online hiện đang mở cửa hàng offline, để tạo điều kiện cho khách hàng trải nghiệm trực tiếp sản phẩm.

Chia sẻ tại buổi họp báo Lễ công bố HVNCLC 2025, ông Nguyễn Văn Phượng – người phụ trách khảo sát HVNCLC do Người tiêu dùng bình chọn năm 2025, cho biết kết quả khảo sát cho thấy xu hướng sắm đa kênh vẫn đang là xu hướng thịnh hành hiện nay cũng như trong tương lai. Nhờ bán hàng đa kênh, ranh giới giữa bán lẻ hiện đại (Modern Trade – MT) và bán lẻ truyền thống (General Trade – GT) đang dần trở nên mờ nhạt.

“Nếu như những năm trước, phần lớn là các nhà bán lẻ offline mở thêm kênh online để gia tăng nguồn thu và khách hàng hoặc để ứng phó với giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh thì vài năm gần đây (sau COVID-19), nhiều nhà bán lẻ online lại mở cửa hàng offline, để tạo điều kiện cho khách hàng trải nghiệm trực tiếp sản phẩm” – ông Nguyễn Văn Phượng nói.

Theo ông Phượng, hệ thống kênh GT vẫn giữ vai trò chủ đạo với tỷ trọng chi tiêu bình quân cao hơn kênh MT và Online ở hầu hết sản phẩm các ngành hàng. Đặc biệt, sản phẩm thuộc các ngành hàng tiêu dùng lâu bền như vật liệu xây dựng, xe – phụ tùng xe,,… kênh GT chiếm tỷ trọng chi tiêu gần như tuyệt đối.

“Kết quả khảo sát cho thấy, dù chợ truyền thống có phần lép vế hơn những năm trước nhưng các kênh phân phối như đại lý, cửa hàng, và tiệm tạp hóa (tạp phẩm hộ gia đình) vẫn còn chỗ đứng với khoảng 70% NTD lựa chọn các kênh GT là điểm cung ứng các loại sản phẩm” – ông Phượng nói.

Tuy nhiên, kênh MT chiếm tỷ trọng chi tiêu cao nhất đối với sản phẩm thực phẩm chế biến. Đặc biệt, kênh Online chiếm tỷ trọng cao nhất đối với các sản phẩm mỹ phẩm, làm đẹp và may mặc.

Người tiêu dùng ngày càng chuộng mua hàng theo xu hướng đa kênh

Một điểm nữa về hành vi người tiêu dùng được Cuộc khảo sát ghi nhận đó là người tiêu dùng vẫn có xu hướng ưa chuộng sản phẩm tốt cho sức khỏe. Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm thực phẩm, đồ uống đã trải nghiệm và cảm nhận tích cực, truy xuất được nguồn gốc, nhiều người mua dùng, đạt các chứng nhận, hoặc có thành phần tốt cho sức khỏe. Lựa chọn an toàn không chỉ đối với thực phẩm đồ uống, mà còn là xu hướng lựa chọn đối với các sản phẩm thuộc nhóm ngành FMCG nói chung.

“Nhu cầu sử dụng sản phẩm an toàn, tăng cường sức khỏe vẫn là xu hướng thịnh hành trong những năm gần đây. Sự quan tâm của NTD đối với các sản phẩm được dán nhãn hữu cơ (organic) hay nhãn xanh – thân thiện môi trường gia tăng, cho thấy cộng đồng NTD Việt ngày càng ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, và tiêu dùng có trách nhiệm hơn” – ông Phượng đánh giá.

Tuy nhiên, ông Phượng cũng lưu ý, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động khó lường, NTD bị mất việc làm, giảm thu nhập đã tác động làm thay đổi nhất định hành vi và mức độ mua sắm của NTD. Kết quả khảo sát cho thấy NTD vẫn tiếp tục “thắt lưng buộc bụng”, mức độ mua sắm cuối năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 vẫn có xu hướng giảm (tuy mức giảm không sâu bắng năm 2023 so với năm 2022). Những ghi nhận từ NTD cho thấy mức độ mua sắm, tiêu dùng năm nay chưa có tín hiệu khả quan hơn so với năm 2024.

“Hiện nay NTD vẫn duy trì chiến lược “thắt lưng buộc bụng” nhằm tiết kiệm chi phí như ưu tiên mua sản phẩm thiết yếu, mua hàng phân khúc giá rẻ hơn, hay mua hàng có khuyến mãi” – ông Phượng nói.

Một đặc điểm hành vi của người tiêu dùng mà các doanh nghiệp cần lưu ý đó là nguồn tham khảo thông tin. Với với ngành hàng thực phẩm, khi mua sản phẩm người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các nguồn thông tin có chỉ số tin tưởng cao nhất là dựa trên chính sự trải nghiệm của họ. Kế đến các nguồn thông tin được NTD tham khảo nhiều là từ người thân/ bạn bè, hoặc người bán hàng. Còn đối với các sản phẩm phi thực phẩm nguồn thông tin từ người bán hàng được NTD tham khảo nhiều nhất, kế đến là người thân/ bạn bè, người am hiểu/ chuyên gia…

Người tiêu dùng ngày càng chuộng mua hàng theo xu hướng đa kênh

7 xu hướng và hành vi tiêu dùng

Từ Cuộc khảo sát HVNCLC 2025, Hội DN HVNCLC đã đúc kết 7 xu hướng và hành vi tiêu dùng, cụ thể:

1. Ưu tiên sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe, và thân thiện môi trường: thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam vẫn tiếp diễn xu hướng phát triển về chiều sâu. NTD không chỉ coi trọng các yếu tố rất cơ bản như chất lượng cảm nhận, độ bền, mà NTD ngày càng quan tâm đến sản phẩm tốt cho sức khỏe. Điểm bán cũng cho biết người mua ngày càng quan tâm (hỏi nhiều) hơn đến xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm, hạn dùng trước khi mua. Điều đó cho thấy hiện nay NTD khá quan tâm đến nhu cầu đảm bảo sức khỏe, dinh dưỡng và an toàn.

Xu hướng lựa chọn sản phẩm “xanh” và “sạch” thân thiện môi trường hoặc đạt các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng trở thành ưu tiên hàng đầu của NTD.

2. Ưu tiên mua sắm các sản phẩm đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa sự trải nghiệm: ngày càng nhiều NTD tìm kiếm các sản phẩm có thể cá nhân hóa theo sở thích và nhu cầu riêng của họ. Xu hướng lựa chọn sản phẩm đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa sự trải nghiệm theo sở thích cá nhân trong tiêu dùng đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt là nhóm NTD trẻ.

3. Ưu tiên cho sự tiện lợi và linh hoạt: yếu tố mang lại sự tiện lợi trong mua sắm tiêu dùng cũng đang dần trở thành mối quan tâm của đa số NTD, các sản phẩm và dịch vụ dễ sử dụng, tiện lợi, và phù hợp với lối sống bận rộn đang ngày càng tạo hấp lực với NTD, đặc biệt là tại các đô thị. Mua sắm đa kênh tạo điều kiện thuận lợi để NTD có thể tương tác và mua sắm sản phẩm từ nhiều kênh khác nhau, bao gồm cả trực tuyến và ngoại tuyến.

Có thể nói, ngoài việc đáp ứng nhu cầu trải nghiệm mua sắm kết hợp giải trí thì DN nào tạo được nhiều “điểm chạm” thông qua sự kết hợp giữa các kênh trực tiếp và trực tuyến nhằm mang lại sự thuận tiện và trải nghiệm NTD mua sắm sẽ có lợi thế trên thị trường.

4. Gia tăng mua sắm trực tuyến: Với sự phát triển của công nghệ và Internet, ngày càng nhiều người tiêu dùng Việt Nam chuyển sang mua sắm trực tuyến. Các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada và Tiki đang trở thành lựa chọn ngày càng phổ biến. Mặt khác, các kênh bán hàng online đã thích ứng và khai thác rất tốt nhu cầu mua sắm kết hợp giải trí của NTD với các hình thức live-stream bán hàng, tiêu biểu như Tiktok shop là một hiện tượng trong thời gian vài năm qua, đây được xem là hình thức buy-entertainment trên nền tảng kỹ thuật số.

5. Ưu tiên lựa chọn sản phẩm cùng loại có giá bán cạnh tranh hoặc có khuyến mãi: những lo ngại liên quan đến thu nhập, việc làm trở nên rõ rệt hơn trong bối cảnh lạm phát gia tăng, nền kinh tế biến động khó đoán định. Áp lực tài chính ngày càng gia tăng tác động NTD thay đổi hành vi mua sắm theo hướng cẩn trọng và chi tiết hơn. NTD có xu hướng ưu tiên mua sản phẩm thiết yếu, mua hàng phân khúc giá rẻ hơn, hay mua hàng có khuyến mãi, combo tặng kèm.

6. Ưu tiên các thương hiệu tin cậy hoặc nhãn hàng riêng: sản phẩm của các DN có thương hiệu lâu năm (uy tín) vẫn được NTD ưu tiên lựa chọn, bên cạnh sự gia tăng của các sản phẩm nhãn hàng riêng, đặc biệt trong siêu thị và cửa hàng tiện lợi đang thu hút nhiều NTD nhờ vào giá cả cạnh tranh và cảm nhận chất lượng đảm bảo.

7. Thanh toán trực tuyến (không tiền mặt) ngày càng phổ biến: phương thức thanh toán khi mua hàng trực tiếp cũng ghi nhận có nhiều thay đổi, người dân mua hàng chuyển khoản hoặc thanh toán trực tuyến ngày càng nhiều (từ các sạp chợ, tạp hóa, quán cơm, quán cà phê hay thậm chí quá nước ven đường hẩu như đều sử dụng QR code tài khoản ngân hàng hay các ví Momo, VN Pay,.. ) để người mua có thể quét mã thanh toán.

Lễ công bố HVNCLC 2025 với chủ đề “Doanh nghiệp HVNCLC – Hành trình phát triển bền vững” sẽ diễn ra tại Dinh Thống Nhất, TP.HCM ngày 25/3, và được phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội của Hội DN HVNCLC.

 

Nguồn: Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao

Truy cập: Fanpage Găng tay cao su Nam Long